Cập nhật: 06/07/2016
Xem: 1726

Tuy các công trình nghiên cứu để phát triển một loại thuốc mới rất tốn kém và cũng rất nhiều rủi ro lẫn khó khăn, nhưng sẽ không ngoa khi bảo rằng Ấn-độ là thiên đường của các hãng dược phòng nhờ số dân hơn 1,2 tỷ đông thứ nhì thế giới.
Tại Ấn-độ, các bác sĩ được đào tạo thành những bác sĩ giỏi (chi phí đào tạo thấp hơn nhiều, so với các quốc gia tân tiến), phần đông nói tiếng Anh lưu loát và được xã hội trọng vọng; còn hầu hết các bệnh nhân thì vì quá nghèo nên các thử nghiệm lâm sàng là cơ hội duy nhất để họ có thể được chữa trị bệnh. Họ tin tưởng tuyệt đối vào những “thiên thần áo trắng” và vì nghèo nên sẵn sàng tham dự vào các thử nghiệm lâm sàng, tự nguyện làm con thỏ thí nghiệm, với hy vọng được chữa lành bệnh. Có nhiều nguyên nhân để Ấn-độ được các hãng dược phòng quốc tế chọn làm thí điểm, nhưng nguyên nhân chính là vì trong số 1,2 tỷ dân có nhiều người cả đời chưa từng được uống viên thuốc nào nên được xem là “treatment naïves” trong thuật ngữ chuyên môn của ngành Y, và đây là một ưu điểm cho các thử nghiệm lâm sàng [vì nếu làm thử nghiệm tại những quốc gia phát triển thì người dân trước đó có thể đã uống quá nhiều loại thuốc khác nhau nên khó có thể kiểm tra sự công dụng của thuốc mới có hiệu quả hay không, và thường thì đưa đến những nhầm lẫn hàng loạt các tương tác của thuốc làm ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm].

Theo bản báo cáo của các chuyên gia thuộc BUKO-Pharma (BUKO = Bundeskoordination Internationalismus là một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 1977, gồm gần 100 thiện nguyện viên trên toàn thế giới chuyên về trợ giúp đoàn kết các nhóm, các quốc gia và trợ giúp phát triển các dự án quốc tế, phát hành các tạp chí, v..v. chống lại sự nghèo đói, kỳ thị chủng tộc, lạm dụng tình dục, v.v… BUKO có trụ sở tại Bielefeld, Đức quốc), mỗi năm tại Ấn-độ có gần một triệu người chết vì không được chăm sóc y tế đầy đủ; chính phủ Ấn chỉ cung cấp săn sóc y tế tối thiểu, còn những bệnh nan y như ung thư hoặc tiểu đường thì bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra mua thuốc chữa trị. 700 triệu người dân Ấn không có đủ phương tiện để nhận được điều trị y tế đúng mức bởi các chuyên gia, vì 80% chuyên gia ngành Y đều sinh sống tại các thành phố lớn trong khi 70% dân chúng Ấn lại sống ở thôn quê. Ngoài ra hệ thống Y tế của Ấn-độ đang có những thay đổi, cho kịp với đà phát triển thật nhanh để trở thành một quốc gia kỹ nghệ, nên gây ra nhiều tình trạng lộn xộn trong ngành nghiên cứu lâm sàng khiến nhiều người bị chết oan uổng. Theo các dữ liệu của bộ Y tế của Ấn, chỉ riêng trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2010 đã có 1725 người bị tử vong trong khi hoặc sau khi uống thử một loại thuốc mới. Và có công bằng hay không nếu chúng ta biết rằng, khác với người dân tham dự thử nghiệm lâm sàng tại những quốc gia tiên tiến như tại Hoa kỳ hoặc Âu châu, những con thỏ thí nghiệm nghèo của Ấn-độ không được các hãng dược phòng “ban phát” các loại thuốc mới mà họ đã uống thử nghiệm và sau đó (may mắn) khỏi bệnh. Nói một cách khác, những loại thuốc mới được thử nghiệm thành công tại Ấn-độ, sau khi được cấp giấy phép sản xuất, lại không đến được tay người dân Ấn độ với giá rẻ mà họ có thể mua được, theo đúng với nguyên tắc. (BV)
Phát hiện một loại trùn có 60 con mắt

Đây là một loại trùn chưa từng được biết đến trước đây trong ngành sinh vật học. Theo mô tả của khoa học gia Brian Eversham, giám đốc điều hành của cơ quan Wildlife Trust Bedfordshire, Cambridgeshire và Northamptonshire của vương quốc Anh và là người vừa phát hiện ra con vật lạ lùng trong một đám cỏ khi đang đi dạo chơi ở quận hạt Cambridgeshire, con trùn này chỉ dài 12 phân nhưng có tới gần 60 con mắt. Ông Eversham cho biết rất ngạc nhiên về sự phát hiện này vì thông thường thì Anh quốc vẫn mô tả cẩn thận và kỹ lưỡng tất cả các loài động vật, mà con trùn có 60 con mắt này ông chưa từng được nghe nói đến. Đã có nhiều khoa học gia cũng đồng ý với ông Eversham rằng rất có thể đây là một loài sâu chưa từng được ngành sinh vật học phát hiện ra trước đây. (BV)

Làm thế nào đụng được vỏ trái đất?

Theo loan tin của tuần báo khoa học NewScientist trong ấn bản mới nhất, các khảo cứu gia người Nhật và người Anh đang tìm cách làm thế nào để tiếp cận vỏ trái đất. Họ dự định xử dụng lỗ đã được hình thành sau một cơn động đất tại Nhật-bản để khoan. Và điều khó khăn chính hiện nay là làm thế nào để có được kinh phí khổng lồ cho dự án này, vì chỉ riêng công trình khoan sâu vào lòng đất 70 cây số cũng đã tốn mất 1 tỷ mỹ kim. Các chuyên gia hy vọng với những dữ kiện có được khi đạt đến độ sâu này, chúng ta rất có thể sẽ thay đổi những hiểu biết trước đây về cấu trúc của vỏ trái đất, và biết thêm được những quá trình xảy ra ở độ sâu 70 cây số trong lòng đất. Hiện nay lỗ hổng gần với lớp vỏ trái đất nhất chỉ đạt được độ sâu 1507 thước, ở tại Costa Rica thuộc Trung Mỹ-la-tinh

Chat với chúng tôi